Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng không nung chung cảnh "chết đứng"

Gần 5 năm trước, theo dõi thị trường BĐS, người viết cùng một nhóm phóng viên có dịp đến dự lễ khởi công dây chuyền sản xuất gạch không nung của anh chủ doanh nghiệp tên Sáu tại Hải Dương.

Lễ khởi công có sự tham dự của nhiều cơ quan, ban ngành và được diễn ra rất tưng bừng. Thời gian này, với đặc tính thân thiện với môi trường, VLXD không nung được đánh giá là vật liệu của tương lai với nhiều triển vọng phát triển rất tốt… Anh Sáu tràn trề hy vọng vào lĩnh vực kinh doanh này.

Một thời gian dài sau đó, tôi gọi điện hỏi thăm anh Sáu về sự phát triển của nhà máy, thì anh than thở rằng dây chuyền gạch không nung hàng chục tỷ đồng của anh giờ đang "chết đứng". Những tưởng anh chỉ than quá lên, nhưng phóng viên thực sự sững sờ khi về thăm nhà máy của anh.

Anh Sáu không quên dặn dò: "Nếu có chụp hình, nhà báo đừng lấy biển tên công ty" khi dẫn người viết đi một vòng thăm dây chuyền sản xuất gạch không nung giờ đã trở thành đống sắt vụn vì bị bỏ không gần 5 năm trời. Anh than thở: “Thật không biết nói sao cho vừa, chúng tôi như bị bỏ rơi nhà báo ạ! Khi Nhà nước kêu gọi đầu tư phát triển VLXD không nung, chúng tôi phấn khởi lắm vì được hỗ trợ, nhưng sau thì không có sân chơi và còn nhiều khó khăn khác”. Anh Sáu cũng cho biết, anh có 5 người bạn đầu tư làm VLXD không nung, thì cả 5 đều có chung cảnh ngộ.

Nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng không nung chung cảnh "chết đứng" Sau 5 năm, dây chuyền sản xuất gạch không nung của anh Sáu chỉ là đống sắt vụn

Trong một hội nghị về VLXD không nung, vật liệu xanh cho công trình, sau khi chia sẻ câu chuyện này với ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng thì ông cho biết: “Cơ quan chức năng không bỏ rơi doanh nghiệp, có chăng là các doanh nghiệp đầu tư tràn lan, mà không nắm rõ được thị trường, đặc tính khách hàng”.

Ông Bắc cũng thừa nhận, đến nay, sau gần 7 năm thực hiện chương trình phát triển VLXD không nung theo phê duyệt của Chính phủ, so với công suất thiết kế, việc tiêu thụ sản phẩm này vẫn còn chậm.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình đầu tư lĩnh vực VLXD không nung, năm 2014, VLXD không nung có tổng công suất thiết kế đạt khoảng 5 tỷ viên (quy tiêu chuẩn); trong đó, gạch nhẹ đạt 0,9 tỷ viên, gạch bê tông đạt 4,1 tỷ viên. Năm 2015, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 6,5 tỷ viên; trong đó, gạch nhẹ đạt 0,9 tỷ viên, gạch bê tông đạt 5,6 tỷ viên. Đến năm 2016, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 7 tỷ viên; trong đó, gạch nhẹ khoảng 1 tỷ viên, gạch bê tông đạt công suất 6 tỷ viên.

Hiện tại, có 3 dây chuyên sản xuất tấm Acotec trên toàn quốc. Ngoài 3 chủng loại sản phẩm chính trên, VLXD không nung còn có các sản phẩm khác như tấm tường thạch cao, tấm tường bê tông rỗng, tấm 3D, đá chẻ, gạch đá ong, VLXD không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát, phế thải công nghiệp... Tuy nhiên, chỉ có tấm tường thạch cao được sản xuất và sử dụng rộng rãi. Các chủng loại khác có thị trường nhỏ và các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đầu tư. Sản lượng tấm tường sản xuất năm 2014, 2015 và 2016, cả nước có 3 dây chuyền, tổng công suất đạt 35 triệu m2/năm.

Số liệu của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, từ năm 2014 đến nay, duy nhất chỉ có tấm tường thạch cao là cung - cầu cân đối. Các sản phẩm gạch bê tông, gạch nhẹ có lượng tồn kho từ năm 2014 - 2016 lần lượt là 1,3 tỷ viên và 0,39 tỷ viên.

Các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí, nhiều doanh nghiệp sản xuất không đạt công suất thiết kế do việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2014 - 2016, sản lượng tiêu thụ vật liệu không nung tăng qua từng năm đã phần nào kích thích các doanh nghiệp đầu tư nhưng không đáng kể.

Số liệu điều tra của Bộ Xây dựng cho thấy, tình hình sản xuất gạch xi măng đã từng bước tăng trên phạm vi toàn quốc, mạnh hơn ở các tỉnh phía Bắc. Có nhà máy đã phát huy 100% công suất. Tuy nhiên, gạch bê tông bọt sản xuất rất chậm dù công suất đầu tư của các dây chuyền không cao.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét